[Tạp chí Kinh Tế Việt Nam – CHU KHÔI] – Nhằm chấm dứt tình trạng cung – cầu luôn biến động bất ổn và giá bán các sản phẩm chăn nuôi liên tục trồi sụt thất thường, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến lên khoảng 60% và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi để đạt giá trị vượt 1 tỷ USD…
Đó là định hướng của ngành chăn nuôi được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đặt ra tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 9 với chủ đề “Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi”, được tổ chức trực tuyến ngày 30/10.
BÀI TOÁN TIÊU THỤ SẢN PHẨM CHĂN NUÔI
Giáo sư Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi phản ánh, thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như: giá thịt lợn hơi, thịt gia cầm xuống thấp, trong khi thức ăn chăn nuôi tăng giá cao.
Hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất rẻ thì giá bán thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao. Do đó, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến để Bộ Công thương làm tốt công tác quản lý giá của mình.
Phân tích cụ thể hơn, ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, cho biết hiện giá bán heo đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg. Giá bán gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg.
Ngay cả trứng gà cũng rớt giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả. Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, heo cũng đang rơi vào tình thế khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu. Giải quyết tình trạng cung vượt cầu khiến giá lợn và gà xuất chuồng xuống dưới giá thành hiện nay, cần phải thúc đẩy chế biến và xuất khẩu thịt.
Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết ngành chăn nuôi đã có những khởi sắc trong xuất khẩu. Cụ thể là sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thịt gà chế biến lúc trước mới xuất khẩu sang Nhật Bản, nay đã xuất sang được 7 nước, gồm cả một số nước châu Âu.
“Việt Nam trong những năm gần đây có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi và đã đi vào hoạt động. Ví dụ Công ty C.P đã hoạt động dây chuyền giết mổ 250 triệu USD, sắp tới đây nếu đoàn chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để thẩm định được điều kiện xuất khẩu, thì chắc chắn lượng xuất khẩu sẽ rất lớn”, ông Long chia sẻ
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh. Hiện vẫn có những loại bệnh gây nguy hiểm trên đàn gia súc, làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Từ đầu năm tới nay dịch cúm gia cầm xảy ra ở 31 tỉnh, tiêu hủy hơn 400.000 con gia cầm. Về dịch tả lợn Châu Phi, xảy ra ở 2.000 xã ở 57 tỉnh, thành phố; phải tiêu hủy 170.000 con lợn. Từ tháng 7, dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tăng: vào tháng 7 có khoảng 9.000 con lợn mắc, đến tháng 10 có 29.000 con lợn mắc.
CẦN ĐA DẠNG SẢN PHẨM THỊT CHẾ BIẾN
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết 9 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 294,4 triệu USD, tăng 15,2% so cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 87 triệu USD, tăng 20,9%.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 76 triệu USD, tăng 18,2% so cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thịt lợn đạt 22,8 triệu USD, tăng 32,6%; xuất khẩu sản phẩm chế biến từ thịt đạt 21,6 triệu USD, tăng 46,2%; xuất khẩu thịt gia cầm đạt 15,2 triệu USD kim ngạch, tăng 11,6%. Đối với mặt hàng mật ong, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 83 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ 2020.
Đề cập đến việc các sản phẩm thịt của Việt Nam có thể cạnh tranh được khi xuất khẩu hay không, ông Toản cho rằng “thành hay bại” ở nhà thương mại, song thành phần này chưa có trong các Hội, Hiệp hội chuyên ngành. Ông Toản kiến nghị các Hội nghề nghiệp nên đưa nhà cung cấp vào và có quy chế chặt chẽ.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, cho hay hiện Tập đoàn Hùng Nhơn sở hữu 14 công ty thành viên và hệ thống chuỗi với 1.000ha trang trại tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, các trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà/năm. Hùng Nhơn đang xuất khẩu các sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart), cho biết hệ thống tiêu thụ của bà đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát. Với những chuỗi cung ứng có tiêu chuẩn chất lượng cao, chẳng hạn như C.P Việt Nam Meat Deli, Nutri Mart có thể vận chuyển đi 3, 4 tỉnh, thành phố. Mục tiêu đến năm 2025, Nutri Mart sẽ mở khoảng 10.000 điểm bán, siêu thị trên cả nước.
Công ty cũng đang mở nhiều chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc, Thái Lan. “Hiện Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc, về các mặt hàng thịt. Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc”, bà Hằng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, dù gặp nhiều khó khăn khách quan, nhưng số liệu thống kê cho thấy sản lượng thịt, trứng, sữa rất lớn, năm nay ngành chăn nuôi sẽ đạt mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng.
Nhằm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt triển khai 5 dự án lớn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất, không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.
“Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Hiện nay, tỷ lệ thịt, trứng, sữa chế biến còn rất thấp. Chúng ta cũng chưa có nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với từng thị trường, vùng miền. còn hạn chế; công nghệ chế biến còn hạn chế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Khẳng định xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được và nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: “Tôi tin nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD”.
CHU KHÔI