Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên cả nước năm 2020 nhìn chung ổn định, không có biến động lớn. Các địa phương chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Đàn trâu cả nước tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả bị thu hẹp. Thêm vào đó, ở khu vực nông thôn hiện nay, phát triển nhiều ngành nghề có thu nhập khá đã thu hút lao động nên người chăn nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi trâu ngày càng giảm. Đàn bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức khá, người chăn nuôi có lãi ổn định, đồng thời được sự hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương. Ước tính tổng số trâu của cả nước tháng Mười Hai năm 2020 giảm khoảng 2,2%, tổng số bò tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2019. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng cả năm 2020 ước tính đạt 95,8 nghìn tấn, tăng 1,4% so với năm 2019 (quý IV đạt 26,8 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 371,5 nghìn tấn, tăng 4,6% (quý IV đạt 98,9 nghìn tấn, tăng 1,5%); sản lượng sữa bò tươi đạt 1.086,3 nghìn tấn, tăng 10,2% (quý IV đạt 287,1 nghìn tấn, tăng 10,9%).
Đối với chăn nuôi gia cầm: đàn gia cầm cả nước phát triển tốt mặc dù dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương nhưng đều được kiểm soát, không lây lan trên diện rộng. Tổng đàn và sản lượng gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt. Để có hướng phát triển ổn định và lâu dài, người chăn nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt để dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng Mười Hai năm 2020 tăng 6,0% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt 1.453,7 nghìn tấn, tăng 11,6% so với năm 2019 (quý IV đạt 379,0 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước); sản lượng trứng gia cầm đạt 14,7 tỷ quả, tăng 10,5% (quý IV đạt 3,8 tỷ quả, tăng 7,2%).
Trong năm 2020, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát khá tốt, tổng số lợn bị tiêu hủy trong năm chỉ bằng 1,5% so với năm 2019. Đây là nền tảng quan trọng để người chăn nuôi tái đàn, khôi phục đàn lợn như trước đây. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn có đủ nguồn lực, chủ động được con giống. Đây là nguyên nhân chính khiến việc tái đàn của người dân không thể nhanh như kỳ vọng. Trong những tháng gần đây, giá lợn giống đã giảm dần, việc tái đàn đã dần đáp ứng được nhu cầu. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng Mười Hai năm 2020 tăng 17% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm đạt 3.474,9 nghìn tấn, tăng 4,4% so với năm 2019 (quý IV đạt 991,8 nghìn tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước). So với năm 2018 (năm không bị dịch tả lợn châu Phi), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 giảm 9% và sản lượng quý IV tương đương cùng kỳ năm 2018. Như vậy, sản lượng thịt hơi xuất chuồng về cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới.
Khi nguồn cung thịt lợn tăng lên, giá thịt lợn trên thị trường cũng giảm dần và bình ổn trở lại. Trong những tháng đầu năm, đàn lợn bị sụt giảm mạnh do số lượng lợn tiêu hủy cuối năm 2019 lớn và chưa kịp tái đàn trở lại; giá thịt lợn diễn biến phức tạp, tăng cao trên cả nước, có thời điểm giá thịt lợn hơi chạm mốc trên 100.000 đồng/kg tại một số tỉnh miền Bắc. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung phối hợp chặt chẽ thực hiện quản lý mặt hàng thịt lợn theo nguyên tắc: đây là mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, văn hóa tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam; trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung chưa bảo đảm thì giá thịt lợn là giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong đó tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ có chỉ đạo đó, đàn lợn đã khôi phục nhanh trong những tháng cuối năm, nguồn cung bắt đầu ổn định, sản lượng xuất chuồng tăng dần khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường cũng giảm. Giá sản phẩm chăn nuôi lợn quý IV/2020 giảm 6,1% so với quý trước. Bình quân giá thịt lợn hơi quý IV/2020 tại các tỉnh miền Bắc dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg (giảm khoảng 12.500 đồng/kg); miền Trung và Tây Nguyên từ 66.000-71.000 đồng/kg (giảm khoảng 13.000 đồng/kg); miền Nam từ 69.000-72.000 đồng/kg (giảm khoảng 12.000 đồng/kg). Tuy nhiên, cần chú ý là hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương, chính quyền và người chăn nuôi cần tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng dịch để đảm bảo sinh kế của người dân và nguồn cung ổn định trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.