TIN TỨC

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI CẢ NƯỚC NĂM 2020


Theo Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi có những chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và các dich bệnh khác.

– Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Bộ và các địa phương chỉ đạo cơ cấu lại vùng chăn nuôi theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô lớn, theo chuỗi. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi, khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP đối với lợn đạt 16 – 17%, gà đạt 30 – 31%; tỷ lệ lợn lai, lợn ngoại chiếm 93,5% tổng đàn và tỷ lệ bò lai chiếm 62,5% tổng đàn.

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 5,39 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2019; trong đó, thịt lợn 3,46 triệu tấn, tăng 3,9%; thịt gia cầm 1,42 triệu tấn, tăng 9,2%; thịt bò 372,5 nghìn tấn, tăng 4,8%; trứng đạt 14,54 tỷ quả, tăng 9,5%; sữa bò tươi đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 10,2%. Phát triển mạnh sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp từng bước chủ động đầu vào cho lĩnh vực chăn nuôi, năm 2020 đạt 20,5 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 2019.

Sau 02 năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có (từ tháng 2/2019), đến nay cả nước có trên 96% số xã không có DTLCP. Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn. Trong năm đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trên 308 nghìn con phục vụ giết mổ,….

Đồng thời, để điều tiết cung – cầu và bình ổn giá thịt lợn, đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu trên 212,4 nghìn tấn, chiếm khoảng 5,6% sản lượng. Bên cạnh việc, lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước; đồng thời chỉ đạo tăng cường khai thác và nuôi trồng thủy sản, cơ cấu lại ngành chăn nuôi và các ngành khác để cung ứng thực phẩm thay thế lượng thịt lợn thiếu hụt trên thị trường.

Tình hình dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh xảy ra trên cả nước như sau:

Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP)

Tình hình dịch bệnh

Từ đầu năm 2020 đến ngày 09/12/2020, cả nước đã xảy ra 1.589 ổ dịch (bao gồm 603 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 959 ổ dịch tái phát) tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 85.525 con, tổng trọng lượng khoảng 4.276 tấn.

Hiện nay, cả nước có 310 xã thuộc 108 huyện của 29 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 31.203 con. Như vậy, bệnh DTLCP cơ bản đã được kiểm soát; thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Hiện tại, cả nước có 96% số xã không có DTLCP, bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Nhận định tình hình

Nhận định nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì: (i) Đặc điểm của vi rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; (ii) Hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới; (iii) Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; (iv) Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm; (v) Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, cực đoan, mưa lớn, thời gian tới rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh (đang tồn tại trong môi trường và trên một số đàn vật nuôi) có thể gây bùng phát dịch.

Bệnh Cúm gia cầm

Từ đầu năm đến ngày 09/12/2020, cả nước đã xảy ra 84 ổ dịch CGC A/H5 tại 28 tỉnh, thành phố (bao gồm: 21 ổ dịch do vi rút A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố; 63 ổ dịch do vi rút A/H5N6 tại 18 tỉnh, thành phố). Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 223.04 con (chiếm 0,04% trong tổng đàn khoảng 520 triệu gia cầm).

So sánh cùng kỳ năm ngoái, số ổ dich CGC A/H5 tăng 1,9 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng 1,7 lần.

Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch CGC A/H5N6 tại 02 tỉnh Khánh Hòa và Nghệ An. Như vậy, tuyệt đại đa số (99,06%) trong tổng đàn gia cầm 520 triệu con an toàn đối với bệnh CGC.

Dịch Lở mồm long móng (LMLM)

Từ đầu năm 2020 đến ngày 09/12/2020, cả nước xảy ra 194 ổ dịch LMLM tại 62 huyện 24 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 7.966 con gia súc (chiếm 0,02% tổng đàn gia súc khoảng 34 triệu con), gồm 6.808 con bò, 1.095 con trâu và 63 con lợn. Số gia súc bị chết và tiêu hủy là 279 con (202 con bò, 15 con trâu và 62 con lợn).

So với cùng kỳ năm 2019, số ổ dịch giảm 2,4 lần, số gia súc mắc bệnh và tiêu hủy giảm 66,75 lần.

Hiện nay, cả nước có 12 ổ dịch 10 huyện 07 tỉnh (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Đồng Nai, Đồng Nai, Long An, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk và Yên Bái) chưa qua 21 ngày, với tổng số gia súc mắc bệnh lũy kế tại các tỉnh này 701 con, số gia súc tiêu hủy là 07 con. Như vậy, tuyệt đại đa số (99,08%) trong tổng đàn gia súc trên 34 triệu con an toàn đối với bệnh LMLM.

Bệnh Tai xanh

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã phát hiện 05 ổ dịch Tai xanh (bao gồm: 04 ổ dịch tại các xã của 04 huyện thuộc tỉnh Nghệ An; 01 ổ dịch tại tỉnh Hà Nam; số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 119 con).

Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch Tai xanh tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chưa qua 21 ngày.

– Nhận định: Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

– Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn lợn và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất, cung ứng 15,4 triệu liều vắc xin Tai xanh; hiện tại đang còn trong kho của các doanh nghiệp là 4,1 triệu liều; đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu trong quý IV năm 2020 là 6,9 triệu liều vắc xin, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng bệnh, tiêm phòng bao vây chống dịch khi cần thiết.

Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC)

Tình hình dịch bệnh

Từ đầu tháng 10 năm 2020 đến nay, bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đã xảy ra tại trên 83 xã, 33 huyện của 10 tỉnh, thành phố (bao gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Giang, Hà Nam và Hà Nội), làm tổng số 1.125 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 168 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Nhận định tình hình

Nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao vì một số lý do: (i) Bệnh lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh (hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh, nhưng cần 02 đến 03 tuần nữa để đánh giá vô trùng, an toàn trước khi hướng dẫn sử dụng rộng rãi); (ii) Các véc tơ truyền bệnh (gồm ruồi, muỗi, ve, mòng,… hút máu, truyền bệnh,…) là yếu tố chính làm lây lan dịch bệnh; (iii) Tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; (iv) Nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò cuối năm 2020 và đầu năm 2021 gia tăng mạnh; (v) Thời tiết thay đổi (mưa, rét ở miền Bắc, miền Trung; sau lũ lụt tại các tỉnh miền Trung); (vi) Điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Đây là một bệnh mới lây từ nước ngoài vào Việt Nam do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Trong thời gian tới, bệnh VDNC có thể sẽ xuất hiện tại nhiều địa phương.

Thị trường sản phẩm chăn nuôi

Giá lợn thịt:

Từ đầu tháng 4/2020, giá thịt lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao và cán mốc 100 ngàn đồng/kg, lý do: nguồn cung giảm (đàn lợn nái, lợn con chết và tiêu hủy nhiều trong cao điểm dịch cả nước từ tháng 5-7/2019, những lợn nái không chết, cũng rất hạn chế đưa vào phối giống trong giai đoạn này).

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt; Bộ đã ban hành văn bản số 3936/BNN-VP ngày 11/6/2020 đồng ý về việc cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ triển khai các biện pháp, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống theo các quy định hiện hành.

Bắt đầu từ tháng 9/2020, giá thịt lợn hơi đã có chiều hướng giảm và giảm nhanh trong cuối tháng 10, và tháng 11. Hiện nay, giá thịt lợn hơi bình quân tại khu vực các tỉnh phía Bắc dao động từ 68.000-71.000 đồng/kg, khu vực phía Nam và miền Trung không có sự chênh lệch đáng kể, giá bình quân dao động từ 68.000-70.000 đồng/kg.

Giá thịt gia cầm:

Do việc phát triển nhanh đàn gia cầm 2019, đồng thời chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên trong 6 tháng đầu năm 2020 thị trường sản phẩm chăn nuôi gia cầm có thời điểm có phần mất cân đối giữa cung – cầu. Giá gà công nghiêp trắng có thời điểm trong tháng 3-4/2020 chỉ dao động từ 22.000-24.000 đg/kg, đến khoảng tháng 6,7/2020 tăng lên mức 33.000-36.000 đg/kg sau đó theo xu hướng giảm, tại thời điểm cuối năm 2020, giá bình quân cả nước đang giao động 25.000-31.000 đg/kg; trong năm 2020, giá gà thịt lông màu cũng biến động theo thị trường, bình quân dao động trong khoảng 30.000-40.000 đg/kg tùy từng thời điểm ở cả 3 miền; giá vịt siêu thịt bình quân năm 2020 có giá thấp chỉ dao động từ 23.000-28.000 đg/kg ở cả 3 miền.

c) Trong năm 2020, giá và thị trường sản phẩm gia súc ăn cỏ ổn định và phát triển tốt: Giá bò thịt bình quân dao động quanh mức 75.000-85.000 đg/kg, tại miền Bắc có thời điểm giá đạt trên 85.000 đg/kg; giá sữa bò tươi ổn định từ 12.000-14.000 đg/lít.

Sản phẩm khác:

– Thị trường Yến sào chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ gập nhiều khó khăn, giá xuống thấp và nhiều sản phẩm tổ yến bán chôi nổi trên thị trường không được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến giá trị của mặt hàng này.

– Về sản phẩm tằm: Cũng do dịch bệnh Covid-19 mà việc xuất khẩu kén tằm đang ách tắc tại thị trường Ấn Độ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất trong nước.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi, thị trường nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi chính năm 2020

– Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Ước tính tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2020 đạt 20 triệu tấn, tăng 5,6 % so với năm 2019. Trong đó thức ăn cho lợn 9 triệu tấn, chiếm 45% (giảm 4,4% so với năm 2019); thức ăn cho gia cầm 10 triệu tấn, chiếm 50% (tăng 11,9% so với năm 2019); các loại khác khoảng 1 triệu tấn, chiếm 5% (tăng 69,8% so với năm 2019).

– Về giá nguyên liệu: So với năm 2019, giá một số nguyên liệu TACN có xu hướng tăng: ngô hạt 5.621 đ/kg (tăng 4,3%), khô dầu đậu tương 10.185 đ/kg (tăng 8,8%), DDGS 6.306 đ/kg (tăng 17,6%), methionine 53.929 đ/kg (tăng 8,0%); giá một số nguyên liệu có xu hướng giảm: cám mì 5.173 đ/kg (giảm 1,2%), bột cá 27.225 đ/kg (giảm 3,7%), cám gạo chiết ly 4.428 đ/kg (giảm 18,9%), sắn lát 5.205 đ/kg (giảm 2,5%), lysine 28.182 đ/kg (giảm 1,7%).

– Về giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm bình quân năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2019, cụ thể: giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn từ 60kg trở lên 9.363 đ/kg (tăng 3,1%), thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 9.962 đ/kg (tăng 2,4%), thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 9.497 đ/kg (tăng 1,3%).

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU 

Tình hình xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2020

Về nhập khẩu một số sản phẩm chính:

– Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong 11 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập khẩu 41,5 ngàn con lợn giống (kim ngạch 24,7 triệu USD), 301,1 ngàn con lợn thịt (kim ngạch 84,6 triệu USD); hơn 3,4 triệu con gia cầm giống (kim ngạch 17,9 triệu USD) và lượng trâu bò sống giết thịt là 517,9 ngàn con (kim ngạch 556 triệu USD). Tổng lượng thịt nhập khẩu các loại (thịt lợn, gà, gia súc, dê, cừu) là trên 321 ngàn tấn (bằng 6% so với tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong nước).

– Về nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 19,6 triệu tấn nguyên liệu TACN, giá trị nhập khẩu 5,7 tỷ USD, trong đó: nguyên liệu giàu năng lượng 11,4 triệu tấn, giá trị nhập khẩu 2,3 tỷ USD; nguyên liệu giàu đạm 7,5 triệu tấn, giá trị nhập khẩu 2,55 tỷ USD, thức ăn bổ sung 660,9 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu 875,6 triệu USD. So với năm 2019, TACN nhập khẩu năm 2020 giảm 5,7% về khối lượng và giảm 7,8% về giá trị.

Về xuất khẩu: Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Trong đó:

– Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh khoảng 28,5 triệu USD.

– Thịt và phụ phẩm gia cầm sau giết mổ khoảng 25,1 triệu USD.

– Trứng gia cầm đã bảo quản hoặc làm chín khoảng 1,4 triệu USD.

– Trứng gia cầm sơ chế, lòng đỏ trứng muối khoảng 3,4 triệu USD.

– Mật ong tự nhiên khoảng 71,3 triệu USD.

– Xúc xích và các sản phẩm tương tự, phụ phẩm dạng thịt khoảng 0,3 triệu USD.

– Thịt và phụ phẩm dạng thịt đã chế biến khoảng 28,1 triệu USD.

– Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu khoảng 789 triệu USD.

– Sữa và các sản phẩm từ sữa khoảng 270 triệu USD.

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com


BÀI VIẾT LIÊN QUAN______

ĐẶT MỤC TIÊU ĐƯA XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI VÀO NHÓM NGÀNH HÀNG TỶ USD

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI 2020